Mục lục bài viết
Kế toán hành chính sự nghiệp là gì?
Kế toán hành chính sự nghiệp là kế toán làm việc, chấp hành các ngân sách, quản lý và điều hành các hoạt động tài chính, kinh tế tại các đơn vị hành chính sự nghiệp như ủy ban, trường học, bệnh viện..vv.. Để quản lý một cách hiệu quả và chủ động trong các khoản chi tiêu, các đơn vị hành chính cần phải lập dự toán. Dựa vào các báo cáo dự toán, kinh phí sẽ được nhà nước cấp cho từng đơn vị.
Vì vậy, kế toán của doanh nghiệp ngoài đóng vai trò quan trọng với đơn vị hành chính còn quan trọng với ngân sách nhà nước.
Công việc của kế toán hành chính sự nghiệp
Bên cạnh các vai trò quản lý và kiểm soát tình hình sử dụng kinh phí, sử dụng các loại vật tư tài sản của công và chấp hành các dự toán thu, chi theo định mức của Nhà nước đề ra, kế toán hành chính sự nghiệp còn có chức năng là thông tin mọi hoạt động kinh tế phát sinh trong quá trình chấp hành ngân sách của Nhà nước, nhằm góp phần đắc lực vào việc sử dụng vốn một cách tiết kiệm và hiệu quả cao.
Để thực sự có được hiệu lực trong công tác quản lý kinh tế tài chính, kế toán trong các đơn vị hành chính sự nghiệp phải thực hiện được những nhiệm vụ chủ yếu sau:
–Thực hiện ghi chép và phản ánh một cách kịp thời đồng thời phải chính xác và đầy đủ về tình hình luân chuyển sử dụng các tài sản, vật tư hay tiền vốn và quá trình hình thành kinh phí và sử dụng nguồn kinh phí đó, tình hình và kết quả các hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
– Kiểm soát và theo dõi các tình hình chấp hành dự toán các khoản thu chi, tình hình triển khai các chỉ tiêu kinh tế – tài chính và các tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, đồng thời phải kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng các vật tư tài sản ở đơn vị, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật thu và nộp ngân sách, chấp hành tốt kỷ luật thanh toán và các chế độ chính sách của Nhà nước.
– Bên cạnh đó còn phải kiểm soát và theo dõi tình hình phân phối nguồn kinh phí cho các đơn vị cấp dưới cần được dự toán và cả tình hình chấp hành dự toán thu, chi và quyết toán của các đơn vị này.
– Định kỳ để lập và nộp các báo cáo tài chính cho các cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính đúng hạn theo quy định.
– Cung cấp các thông tin và tài liệu cần thiết để phục vụ cho việc xây dựng các kế hoạch dự toán, xây dựng định mức chi tiêu, phân tích và đánh giá một cách hiệu quả của việc sử dụng các nguồn kinh phí tại đơn vị.
Vai trò của kế toán hành chính sự nghiệp
Chấp hành đúng theo quy định, tiêu chuẩn định mức về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp đã được ban hành bởi Nhà nước.
Đáp ứng theo yêu cầu về quản lý tài chính – kinh tế, tăng cường việc kiểm soát, quản lý được tài sản công, chi quỹ Ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng công tác, quản lý tại đơn vị hành chính.
Đảm bảo tính thống nhất về nội dung, phương pháp với chế độ kế toán hiện hành và yêu cầu quản lý của nhà nước…
Nội dung của kế toán hành chính sự nghiệp
Kế toán hành chính sự nghiệp bao gồm các nội dung cơ bản sau:
– Kế toán tiền và vật tư: Phản ánh về tình hình giao nhận dự toán và thu, chi Ngân sách Nhà nước; phản ánh được tình hình tăng, giảm vật tư và các cách xử lý nguồn kinh phí đã nhận trong kỳ.
– Kế toán tài sản cố định: Thực hiện về việc hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến tài sản cố định như: mua sắm, xin được cấp, tính hao mòn của tài sản cố định, thanh lý tài sản cố định,… Đặc biệt, có thể thấy rõ sự khác nhau giữa tính hao mòn tài sản cố định trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và tính khấu hao tài sản cố định trong các doanh nghiệp, bao gồm:
- Khấu hao tài sản cố định trong doanh nghiệp tính theo từng tháng (mỗi tháng 1 lần vào cuối mỗi tháng).
- Hao mòn tài sản cố định trong đơn vị hành chính sự nghiệp tính theo năm (mỗi năm 1 lần vào cuối mỗi năm).
– Kế toán các khoản thu: Bao gồm các nghiệp vụ cho thấy được sự khác nhau trong các hạch toán khoản thu giữa đơn vị hành chính sự nghiệp có thu (là các khoản thu sẽ sử dụng tài khoản 511) và đơn vị hành chính có sản xuất kinh doanh (là các khoản phải thu và sẽ sử dụng tài khoản 311) còn trong các doanh nghiệp các khoản phải thu sẽ sử dụng tài khoản 131.
– Kế toán các khoản tiền lương và bảo hiểm: Hạch toán nghiệp vụ tính, chi lương và các khoản được trích theo lương như BHYT, KPCĐ, BHTN, BHXH trong các đơn vị hành chính sự nghiệp.
– Kế toán các khoản phải trả: Bao gồm khoản phải trả cho các đối tượng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp như: nhà cung cấp, học sinh sinh viên và một số các đối tượng khác.
– Kế toán các nguồn kinh phí: Thực hiện các bút toán về việc nhận dự toán do Ngân sách Nhà nước cung cấp là việc tăng các loại nguồn kinh phí như: nguồn kinh phí các hoạt động, nguồn kinh phí dự án,…
– Kế toán nguồn kinh phí kinh doanh: Để có thể nhận định được thông tin nguồn kinh phí sản xuất kinh doanh của các đơn vị hành chính sự nghiệp đến từ đâu? Phải sử dụng nguồn kinh phí đó như thế nào? Hạch toán các nguồn kinh phí kinh doanh trong các đơn vị hành chính sự nghiệp có gì khác so với hạch toán các nguồn vốn kinh doanh trong các doanh nghiệp?
– Kế toán các khoản chi: Để có thể nhận định được sự khác biệt giữa việc chi cho các hoạt động không thường xuyên, hoạt động thường xuyên, chi các dự án hay chi theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Đồng thời, cần phải lên kế hoạch sử dụng một cách hợp lý các nguồn kinh phí chi đó.
– Kế toán các khoản doanh thu: Mục đích ở đây là để phản ánh các khoản doanh thu tại các đơn vị hành chính sự nghiệp có các hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Kế toán các khoản chi phí: Bao gồm kế toán khoản chi phí cho sản xuất kinh doanh tại các đơn vị hành chính sự nghiệp như: chi lương, tiền công, nhập các nguyên vật liệu cho sản xuất, chi phân bổ công cụ dụng cụ sản xuất, chi tính hao mòn các tài sản cố định,…
– Kế toán bút toán kết chuyển cuối kỳ: Là các trường hợp xử lý các loại dự toán và các loại nguồn kinh phí cũng như các khoản chi vào cuối kỳ kế toán năm.
– Kế toán các sổ sách và các báo cáo tài chính: Liệt kê các loại sổ sách cần phải in ra vào cuối kỳ kế toán năm và với mục đích in từng loại sổ; lập các báo cáo tài chính cần thiết để cung cấp các thông tin cho các đối tượng bên trong và ngoài đơn vị.